Thử giải mã bài thơ nợ của Lê Quốc Hán từ phương diện kí hiệu học

TÓM TẮT

Có nhiều cách để giải mã tác phẩm nghệ thuật. Trong đó có một số cách giải

mã lâu nay vẫn dùng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Trước thực tế đó, chúng tôi

đã mạnh dạn đưa ra một phương pháp mới - đó là giải mã tác phẩm nghệ thuật từ

phương diện kí hiệu học. Tác phẩm là một loại kí hiệu đặc thù. Kí hiệu này được xây

dựng từ một hệ thống kí hiệu ở cấp độ nhỏ hơn. Tất cả các yếu tố trong hệ thống ấy

cộng hưởng, hoà phối với nhau làm nên giá trị của tác phẩm. Nhằm chứng minh cho

tính ưu thế của cách tiếp cận trên, chúng tôi đã dùng các nguyên lí của kí hiệu học để

tiến hành giải mã bài thơ Nợ của Lê Quốc Hán

pdf5 trang | Chuyên mục: Sư Phạm Ngữ Văn | Chia sẻ: yen2110 | Lượt xem: 490 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt nội dung Thử giải mã bài thơ nợ của Lê Quốc Hán từ phương diện kí hiệu học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút "TẢI VỀ" ở trên
ời vay trả trả vay 
Thời gian đặt nợ vào tay chất chồng 
Nợ từ thuở mới lọt lòng 
Sữa thơm của mẹ, máu hồng của cha 
Nợ người một điệu dân ca 
Nợ quê hạt gạo phù sa lở bồi. 
Nợ em tần tảo một đời 
Nợ con một ánh mắt cười thơ ngây 
Giật mình, chiều tím chân mây 
Vẫn nguyên vẹn nợ như ngày sơ sinh. 
2.1. Đọc toàn bộ bài thơ, chúng ta phát hiện ra mạch tư duy nghệ thuật dưới đây. Nó chính là 
đường dẫn nhận thức cho cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận (mô hình 1): 
(1) – Nguyên cớ ban đầu để nhà thơ bộc lộ những nhận thức của mình (2 dòng đầu). 
(2) – Đi vào chiều sâu nhận thức về những món nợ hữu hình và vô hình mà con người đã ngẫu 
nhiên mắc phải trong suốt cuộc đời (6 dòng tiếp theo). 
(3) – Lời tổng kết để khẳng định lại một lần nữa nhận thức sâu sắc của bản thân về chữ Nợ (2 
dòng cuối). 
Triết lí nhân sinh 
(1) 
Những biểu hiện cụ thể 
(2) 
Chiêm nghiệm 
 (3) 
 Ứng với các phương diện Nợ trong cuộc đời là ba chiều kích không gian và thời gian 
của một đời người: lúc còn bé bỏng thơ ngây được cha mẹ ôm ấp, vỗ về, dưỡng dục; lúc trưởng 
thành, hoà mình vào cuộc sống, tận hưởng những giá trị văn hoá của quê hương; lúc về già, 
sống với nghĩa tình vợ con, chiêm nghiệm lại cả chặng đường mình đã đi qua. 
 Từ mô hình tổng quát, ta có thể đi vào chi tiết của bài thơ bằng mô hình bộ phận (mô 
hình 2): 
Thông điệp 1: Khái quát tình trạng phổ biến (nợ đời) 
Mã ngôn ngữ Nội dung biểu đạt 
vay – trả, trả - vay 
thời gian đặt nợ vào tay 
Ân tình là một chu trình đổi chiều liên tục 
Nợ theo gót thời gian, nặng nề và ràng buộc 
Thông điệp 2: Cụ thể hoá đối tượng nhận thức (các món nợ) 
Mã ngôn ngữ Nội dung biểu đạt 
sữa thơm – máu hồng Ngọn nguồn của hình hài và sự sống 
điệu dân ca Ngọn nguồn của đời sống tinh thần 
hạt gạo phù sa Ngọn nguồn của đời sống vật chất 
tần tảo một đời Điểm tựa cho những thành công 
ánh mắt cười ngây thơ Ngọn nguồn của sự thanh tịnh 
Thông điệp 3: Chiêm nghiệm của chủ thể (nợ không thể trả) 
Mã ngôn ngữ Nội dung biểu đạt 
chiều tím chân mây 
 nợ như ngày sơ sinh 
Thời điểm cuộc đời sắp kết thúc 
Món nợ nguyên khối 
Lần theo các dấu hiệu hình thức và các quan hệ hiện hữu trong hệ thống bài thơ (qua 2 
mô hình), ta có thể phát hiện ra kí hiệu tổng thể (toàn bộ bài thơ) được sáng tạo theo những hình 
thức cấu trúc nhất định. Bậc khái quát bao trùm được thể hiện tại đường dẫn nhận thức 1, 2, 3 
(mô hình 1). Kết cấu 1 2 3 (mô hình 2) thể hiện các cung bậc cảm xúc trùng với các bước 
nhảy của tư duy nghệ thuật: quy luật nhân sinh phổ biến  mổ xẻ và minh chứng  chiêm 
nghiệm bản thân. Bài thơ thể hiện sự lôgic của tư duy nghệ thuật: từ nguyên lí thực tế; từ ngoài 
vào trong; từ đồng loại đến cá thể. 
2.2. Tiếp tục đi giải mã các kí hiệu đơn trong từng kí hiệu bộ phận của cái khung nhận thức 
nghệ thuật, người ta nhận ra sự hoà quyện và kết nối khá hoàn hảo trong từng đơn vị kí hiệu và 
giữa các đơn vị kí hiệu với nhau. Căn cứ vào cấu trúc tư duy của người sáng tác, chúng ta nhận 
ra ngay hai dòng đầu là lời giới thiệu ngắn gọn nhưng có sức khái quát rất cao: cuộc đời vay rồi 
trả, trả rồi lại vay, nhưng lạ thay, cùng với chuỗi thời gian đời người dằng dặc ấy, món nợ 
(được đặt vào tay như một tất yếu khách quan) cứ ngày một nhiều thêm, chất chồng tầng này 
lớp khác. Với sự láy lại trong hình thức đảo (vay trả trả vay), tác giả đã đưa vào hình thức ngắn 
gọn này một quy luật thông thường của đời sống nhân sinh. Tuy nhiên, đến dòng lục thì trong 
cái bình thường đó đã chứa đựng một cái gì đó bất thường. Vay rồi lại trả, cớ sao nợ lại chất 
chồng? Phải chăng trong cái hoạt động hai chiều này đã hàm chứa một điều sâu kín, kì lạ! 
Người tầm thường chỉ nhận ra thuộc tính vật chất của từng món nợ và quy đổi, định giá nó bằng 
một thước đo của tiền bạc. Người thanh cao mới nhận ra được thuộc tính tinh thần chìm sâu 
trong từng món một. Vì vậy, dù có ý thức trả nợ thường xuyên, thì ta cũng chỉ trả được những 
thứ nhìn được bằng mắt, cầm được bằng tay. Sau một hành động trả, chỉ món nợ vật chất được 
thanh toán, còn món nợ ân tình thì vĩnh viễn ở lại – những điều ơn nghĩa ấy sẽ mãi chất chứa 
trong lòng kẻ đi vay. Bởi vậy, người đời mới có câu rằng: Nợ tiền có trả có vay; Nợ tình càng 
trả càng đầy lạ chưa! Chất triết lí, cái sâu sắc, của ý tứ trong thông điệp 1 là ở chỗ đó. 
+ Sau câu thơ có tính cảm khái, tác giả lần lượt đưa ra những chứng cớ đầy sức thuyết 
phục mà rất đỗi cảm động về món nợ trần thế của mỗi đời người. Máu hồng của cha cho ta phôi 
thai thành hình hài và được sinh ra để có mặt trên thế gian này. Sữa thơm của mẹ cho ta lớn dậy 
từ cái hài nhi bé bỏng. Điệu dân ca cất lên trong lời ru bên cánh võng giúp ta biết yêu thương, 
biết hướng theo những lẽ đời cao đẹp. Gạo của phù sa lở bồi dẻo thơm và cay đắng chứa chất 
trong từng hạt nhỏ nuôi ta khôn lớn, chân cứng, đá mềm. Một đời tần tảo, vất vả ngược xuôi 
của người vợ đảm cho ta áo mũ xênh xang, cho ta làm thượng giới rong chơi (còn) trần gian 
choang choác sự đời tùy em (câu thơ của Nguyễn Duy). Món nợ được nhắc đến cuối cùng thật 
sự ấn tượng: ánh mắt cười thơ ngây của con trẻ. Ánh mắt trong veo ấy là liều thuốc toàn năng kì 
diệu thanh lọc tâm hồn, gột rửa những tính toán, mưu toan tầm thường. Nó giúp ta lấy lại được 
sự thăng bằng khi đời sống là một sân khiêu vũ lớn mà ta bất đắc dĩ phải làm một cuộc nhảy 
nhót nhọc nhằn. 
+ Mạch liệt kê đang ào ạt chảy, bao nhiêu suy luận về những món nợ trần gian cứ thế 
hiện về bỗng đột ngột bị cắt ngang khi nơi cuối trời ngày dài đã trở nên tím tái. Ngoái đầu nhìn 
lại, ngẫm thấy cả đời chú tâm trả từng món nợ sao bây giờ chúng vẫn còn nguyên! Thời gian đã 
tiễn đưa tuổi thanh xuân đi vào quá vãng, cùng với con đường dằng dặc của thời gian, cái thân 
thể cường tráng ngày nào đã hao gầy. Lúc này đây, thân già cũng tựa như cái hài nhi bé nhỏ. 
Trong tận cùng của sự bất lực và thánh thiện, món nợ cuộc đời vô ảnh vô hình hiện về vẹn 
nguyên với tất cả chiều kích lớn lao của nó. 
Nhìn lại cả bức thông điệp, chúng ta có thể thấy nét độc đáo của nó nằm ở bước đột phá 
mới cả về cách nhìn nhận lẫn cách diễn đạt. Cái nợ hữu hình luôn được sắp xếp xen lẫn với cái 
nợ vô hình đã khiến cho mọi sự cân đo đong đếm trở nên bất lực. Cứ mỗi hình ảnh thực lại xen 
một hình ảnh biểu trưng. Bằng cách này, ý thơ trở nên giản dị dễ hiểu nhưng vẫn đưa được 
miền suy tưởng đi xa. 
3. KẾT LUẬN 
 Nợ là bài thơ được sáng tạo theo hình thức định nghĩa. Đây là một kiểu tư duy thơ 
hiện đại khá phổ biến (như Là thi sĩ của Sóng Hồng, Yêu của Xuân Diệu, Đồng chí của Chính 
Hữu, Quê hương của Đỗ Trung Quân, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, v.v.). Nợ gắn liền 
với đời sống, ước muốn trả nợ thể hiện sự khát khao vươn tới những giá trị nhân văn mà cả 
cuộc đời mỗi con người luôn trăn trở kiếm tìm và khám phá. Điều này lí giải vì sao bài thơ có 
sức hấp dẫn kì lạ đối với rất nhiều độc giả. Cái tài hoa của Lê Quốc Hán là ở chỗ ông đã dùng 
kiểu tư duy triết lí để định nghĩa lại một hiện tượng thông thường của đời sống: Nợ. Chính sự 
phù hợp rất cao giữa hình thức với nội dung ý nghĩa đã làm cho quá trình kí hiệu hoá của tác 
giả thành công một cách mĩ mãn. 
 + Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của quá trình sáng tạo các kí hiệu để ghi lại một 
giá trị nào đó của cuộc sống. Muốn có thơ đầu tiên phải có ý. Để biến ý thành thơ, nhà nghệ sĩ 
cần tìm cho nó một hình hài và một linh hồn. Hình hài thơ được xây đắp bằng tư duy nghệ thuật 
kết hợp nhuần nhuyễn với tư duy kí hiệu. Linh hồn được tạo ra từ cảm xúc. Cảm xúc ẩn chứa 
trong năng lực liên tưởng của con chữ. Sáng tác thơ là một quá trình mà trong đó ý được nung 
nấu, hình hài được cân đối, hồn được bay bổng. Quá chú trọng đến ý, thơ sẽ nặng nề. Quá chú 
trọng vào cảm xúc thơ sẽ thiếu điểm tựa. Quá chú trọng vào hình hài thơ sẽ trở nên khô cứng 
và công thức. Điều cần thiết là khi dùng lí thuyết kí hiệu để giải mã bài thơ hay, người nghiên 
cứu phải xem nó là một loại kí hiệu đặc thù có sự hoà hợp của tất cả các thuộc tính nói trên. 
 Sáng tác và thưởng thức thơ ngày nay đang rất cần đến những lí thuyết có tính thực 
tiễn để dẫn đường và định giá. Điểm nhìn kí hiệu học có thể là một trong những phương thức 
giúp chúng ta giải mã các thông điệp nghệ thuật một cách hiệu quả và thuyết phục. Bài thơ 
được xem như một kí hiệu thì tất cả những chi tiết về cấu trúc hình thức đều ẩn chứa những 
giá trị cụ thể. Muốn có một cái nhìn toàn diện và tránh hiện tượng phân mảnh trong tiếp nhận 
thi ca, cần phải đặt nó trong một điểm nhìn bao quát. Khi đã xác định được hình thức của kí 
hiệu nghệ thuật, việc giải mã thông điệp nghệ thuật không còn quá phức tạp và trừu tượng 
nữa. Tuy nhiên, để tìm ra chiếc chìa khoá tin cậy và hữu hiệu có thể giúp ta mở được cái kho 
tàng đầy bí ẩn kia không phải là chuyện của một sớm một chiều. Qua sự thử nghiệm trên, ít 
nhiều cho thấy việc sử dụng lí thuyết kí hiệu vào phân tích tác phẩm văn chương là một 
hướng đi triển vọng. Để xu hướng này trở nên phổ biến, cần phải có thời gian và sự hưởng 
ứng từ cả người tiếp nhận lẫn nhà nghiên cứu. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Đào Thản (1998), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật. Nxb Khoa học xã hội. Hà 
Nội 
2. G.N. Poxpelop chủ biên (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Trần Đình Sử, Lại Nguyên 
Ân, Lê Ngọc Trà dịch. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 
3. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ. Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. Hà 
Nội. 
4. Nguyễn Lai (1996), Tìm sự chuyển hoá từ mã ngữ nghĩa sang mã hình tượng. Tạp chí 
Ngôn ngữ (3). 
5. Phan Huy Dũng (1999), Kết cấu thơ trữ tình nhìn từ góc độ loại hình. Luận án tiến sĩ Ngữ 
văn. ĐH Sư phạm Hà Nội 
6. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ 
Chí Minh. 
7. Thuỵ Khuê (1996), Cấu trúc thơ. Nxb Văn nghệ, California. Hoa Kì. 
8. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 
9. Trần Văn Tích, Tứ thơ. Văn học. Số 124. 
10. Xuân Diệu (1984), Công việc làm thơ. Nxb Văn học. Hà Nội. 

File đính kèm:

  • pdfthu_giai_ma_bai_tho_no_cua_le_quoc_han_tu_phuong_dien_ki_hie.pdf