Chân dung một số nhân vật trong hồi kí của Tô Hoài

Tóm tắt: Tô Hoài là nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Sáng tác của

ông phong phú về thể loại, đa dạng về đề tài. Hồi kí là thể loại in đậm dấu ấn phong cách

của nhà văn. Hồi kí Tô Hoài đặc sắc, hé mở những kỉ niệm, dấu ấn cuộc đời ông, đặc

biệt, những con người, cuộc đời, số phận ông từng gặp, từng chứng kiến và chia sẻ. Bài

viết tìm hiểu chân dung tự họa, chân dung các văn nghệ sĩ cùng thời, chân dung con

người nhỏ bé, đời thường qua hai tập hồi kí: Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (1999).

pdf10 trang | Chuyên mục: Sư Phạm Ngữ Văn | Chia sẻ: yen2110 | Lượt xem: 381 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt nội dung Chân dung một số nhân vật trong hồi kí của Tô Hoài, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút "TẢI VỀ" ở trên
i 
chính quan trọng lại có con đầm mũi lõ mắt xanh đi theo nên Nguyễn Sáng và Jennen chia 
tay. Ít lâu sau, Sáng lại theo đuổi Thủy, một cô ngồi mẫu trường Mĩ thuật. Đám cưới 
Nguyễn Sáng vừa buồn cười vừa thương, không nghe tiếng cắn hạt bí ti tách, không có ai 
to nhỏ trò chuyện. Đáng thương hơn khi Nguyễn Sáng không đón được cô dâu vì lí do cô 
dâu bị mệt. Trải qua bao đau thương, Nguyễn Sáng từ con người “hung hăng cách mạng, 
lung tung kì cùng” thành con người “lặng lẽ, nghiêm nghị”, “tu tỉnh và biết mình” 
[2; tr.19]. 
Phùng Quán là người đi thực tế với Tô Hoài ở xóm Đồng - Thái Bình. Đi thực tế ở 
nông thôn, Phùng Quán nhanh nhẹn và xốc vác, nhanh chóng làm quen với công việc. 
Nhưng sự nghiệp văn chương lại không thuận lợi. Phùng Quán từng “bị kỉ luật ba năm 
không hội viên Hội Nhà văn nhưng rồi ba mươi năm mới có lời làm lễ giải hạn. Không 
cấm sáng tác nhưng viết thì không đâu in”. Nhưng Phùng Quán vẫn khát khao sáng tác. 
Bạn bè của Phùng Quán tổng kết sáu chữ cho cái gia đình bi đát: “câu chui, rượu chui, viết 
chui”. Vào tuổi năm mươi, Phùng Quán “Thân hình bơ phờ mảnh khảnh, lại ăn mặc kiểu 
các cụ áo năm thân rộng nhuộm cậy mầu hoa hiên, bộ râu chuột lưa thưa”. Đáng buồn, 
đáng thương cho một con người cả đời không may mắn, cứ lặng lẽ rồi chìm dần. 
Bên cạnh đó, một loạt các bạn bè, đồng nghiệp của Tô Hoài được khắc họa như Đào 
Vũ, Nguyễn Hoạt, Nguyễn Khắc Dực, Mộng Sơn, Hồ Dzếnh, Hoàng Văn Tiến Họ chỉ 
xuất hiện loáng thoáng qua trang viết, đan xen vào câu chuyện của các nhà văn khác nhưng 
ở họ cũng neo lại trong lòng người đọc một ấn tượng không thể nào quên. 
Tô Hoài đã vén màn hào quang lấp lánh xung quanh các văn nghệ sĩ vốn được thêu dệt 
từ các giai thoại, chuyện phiếm. Ông đã rút ngắn “khoảng cách sử thi”, tiếp cận họ từ góc 
độ đời tư, từ cuộc sống riêng tư, đặt họ trong sự “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” và giàu 
nhân tính nhất. Họ hiện lên rất đỗi đời thường và chân thật như bao con người bình thường 
60 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
khác. Con mắt tinh đời của Tô Hoài đã đi từ lớp vỏ bề ngoài, lớp bề mặt để đến với cái 
giản dị, cốt lõi, tuy giản đơn mà lại sâu sắc, ẩn sâu bên trong mỗi con người. Tô Hoài đã 
cho người đọc hình dung về một lớp các nhà văn có tên tuổi và vị thế trên văn đàn dân tộc. 
Họ ở đó, giữa những “nhếch nhác trần ai”, những chi li, tính toán, từ chuyện nhà cửa, 
chuyện ăn mặc đến những mối quan hệ đời sống đều được soi rọi dưới lăng kính sự thật 
của nhà văn. Họ là những con người mà cuộc đời và số phận cũng như tâm hồn rất đa 
đạng, phong phú và đầy trái ngang xen lẫn vị đắng cay. Điều đó càng làm cho người đọc 
hiểu và trân quý những gì họ đã đóng góp cho sự nghiệp văn chương nước nhà. 
2.2.3. Chân dung con người nhỏ bé, đời thường 
Không chỉ khắc họa chân dung các văn nghệ sĩ cùng thời, những tên tuổi lớn của nền 
văn xuôi Việt Nam hiện đại, Tô Hoài còn thành công khi xây dựng chân dung, khắc họa số 
phận tầng lớp quần chúng nhân dân trong những thời đoạn khốc liệt nhất của lịch sử. Trở 
về quá khứ, theo dòng hồi tưởng của nhà văn, người đọc bắt gặp vô số hình ảnh các nhân 
vật “nhỏ bé”, đời thường trong xã hội. Họ chỉ lướt qua một vài trang viết nhưng họ đã để 
lại ấn tượng và dư vị cảm xúc thật sự lâu dài, thấm thía. Những dòng chữ “chân thực dưới 
đáy” tràn đầy yêu thương, trân trọng của Tô Hoài đã để lại cho người đọc niềm cảm xúc 
sâu xa về từng con người cụ thể, từng số phận cụ thể. Đó là số phận của những người nông 
dân, người phụ nữ trong những cơn biến thiên lịch sử (Cát bụi chân ai). Đó là số phận của 
những con người, những gia đình trong cơn lốc của cơ chế thị trường (Chiều chiều). 
Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài đã xây dựng chân dung những con người bình thường. 
Đó là những người lao động mưu sinh kiếm ăn trong đêm nhưng lại là những con người có 
nhiều duyên nợ với Tô Hoài và các bạn văn của ông. Bác Chữ bán cháo ban đêm thật khó 
khăn và vất vả “Mặt nhăn nhó đăm đăm, chẳng biết đương phởn hay buồn nỗi hóng khách” 
[2; tr.10]. Đó là ông hàng cà phê “bít tất” với dáng người “lom khom, mặt bóng loáng nắng 
gió đồng chiêm trong bộ quần áo nâu non nhờ nhệch”. Đó là ông chủ Tiểu Lạc Viện “đôi 
mắt kính lấp lánh” với câu cửa miệng “có ngay” luôn thường trực trên môi. Họ chính là 
hiện thân cho vẻ đẹp và một phong cách ẩm thực rất Hà Nội. 
Trong kí ức của nhà văn, hình ảnh các cô gái như Ly Chờ, Thào Mỷ, Chúng Thị Phà 
nơi mảnh đất xa xôi của Tổ quốc cũng được Tô Hoài nói đến. Tô Hoài đã dành tình cảm 
cho những người phụ nữ dân tộc tài năng, xinh đẹp, cá tính với cái nhìn cảm thông sâu sắc 
về số phận, cuộc đời của họ. Mỗi người phụ nữ xuất hiện trong hồi kí Tô Hoài có một hoàn 
cảnh, một tình duyên khác nhau nhưng nhìn chung họ là những người phụ nữ bất hạnh 
trong hôn nhân gia đình. Họ không có được tình yêu trọn vẹn và tình duyên gặp nhiều éo 
le, trắc trở. Cuộc đời họ tưởng như sẽ được sống trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc 
nhưng tất cả đều tan biến trong vòng quay của số phận. Dường như, không có ai có thể 
đoán định trước được số phận và tương lai của họ. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 34/2019 
61 
Trong Chiều chiều, Tô Hoài đã dành nhiều tâm huyết và dụng công khi xây dựng ông 
Ngải, người nông dân nghèo, người đã cưu mang Tô Hoài, Phùng Quán thời cải cách 
ruộng đất năm 1958. 
Trong dòng hồi tưởng của nhà văn, ấn tượng về ông Ngải khi lần đầu tiên gặp ông: 
“Mặt ông Ngải mai mái, không trắng, không sạm. Người suốt đời ở ngoài đồng áng mà da 
không bắt nắng. Cái nước da nhờn nhợt ấy thì có giống ông Phan Khôi” [4; tr.36]. Ông 
chăm chỉ lao động, một đời người chỉ cần cuốc, dần dà lên được cái nhà tươm tất. Ông 
không theo Việt Minh vì chẳng muốn “ôm rơm nặng bụng”. Lúc cải cách, cả làng nháo 
nhào, ông đứng yên “Cái ruộng nó trần trần ra đấy, làm thì ra thóc chứ ra gạch à? Có ruộng 
thì ra thóc, hợp tác cũng là ta cả thôi” [4; tr.76]. Ông Ngải hay làm, tham công tiếc việc 
“có lần ông Ngải lên cơn sốt rét mà nhà còn sào ruộng chưa bừa, ông dậy đùng đùng vác 
bừa đi”. Cả một đời cần mẫn với công việc đồng áng. Một con người vạm vỡ tưởng chừng 
không gì tàn phá nổi vậy mà bốn mươi năm sau, hình ảnh ông Ngải khiến chúng ta không 
khỏi ngậm ngùi, xót xa trước sự tàn phá của thời gian. Bốn mươi năm trước ông “ngủ giữa 
bụi tre”, bốn mươi năm sau ông vẫn “ngủ giữa bụi tre”, trong khi làng xóm thời kinh tế thị 
trường “cứ đua nhau nhà nhà tầng ba gác”. Chỉ có khác ông ngày càng già nua, chậm chạp, 
cũ kĩ hơn. Tô Hoài đã xây dựng được chân dung người nông dân có số phận, có đời sống, 
có cách ứng xử, tâm trạng riêng nhưng cũng giống như người lao động bình dị ở xóm 
Đồng. Ông Ngải là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân thật thà, chất phác, hiện thân của 
tình nghĩa nhưng lại thiệt thòi, không may mắn và cuộc sống quẩn quanh, không được 
hưởng cuộc sống vật chất sung sướng và khá giả. Chân dung ông Ngải là một sự ngậm 
ngùi về dòng thời gian trong cuộc đời mỗi người, quy luật đời người không ai có thể tránh 
khỏi lúc tuổi xế chiều. Cùng với các nhân vật nông dân khác, chân dung ông Ngải đã đem 
đến cho người đọc hình ảnh khá đậm nét về con người của làng quê trên đất nước ta. 
Bên cạnh đó, Tô Hoài còn cho người đọc tiếp xúc với bao con người bình thường 
khác. Đó là Dương, anh bảo vệ của tổ dân phố. Bề ngoài, Dương tỏ ra là một người nhiệt 
tình, trách nhiệm trong công việc mặc dù việc của Dương không được hưởng lương. 
Nhưng bên trong, thực chất Dương là một kẻ khôn khéo, thực dụng, luôn xuất hiện đúng 
lúc, đúng chỗ để chuộc lợi, kiếm trác, làm tiền. Đó là anh công an Mùi thật thà, chất phát, 
không chơi bời. Anh ít chữ nhưng được cái “chịu khó, không lên điệu vừa khoe vừa giấu 
dốt”. Đó là ông Đại, tổ phó tổ dân phố. Ông sống giản dị, xuề xòa: “Một thân cặm cụi, 
quanh mình chỉ có một rổ bát, cái dây vắt quần áo và cái xe đạp treo ngược”. 
Những trang hồi kí của Tô Hoài đã tái hiện lại biết bao số phận của con người trước 
thời cuộc. Họ chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài nét phác họa nhưng những con người bình 
dị, đời thường, nhỏ bé ấy lại làm nên sự đậm nhạt trong bức tranh cuộc sống muôn hình 
vạn trạng. Mỗi người một vẻ nhưng tựu trung, buồn nhiều hơn vui. Là người trong cuộc, 
nhà văn đã tái hiện những cảnh đời ngang trái của tầng lớp quần chúng nhân dân giúp cho 
người đọc hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử. 
62 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
3. KẾT LUẬN 
Tô Hoài đã thành công khi khắc họa chân dung tự họa của bản thân mình, của các văn 
nghệ sĩ cùng thời, của những con người lao động bình dị đến từ mọi miền quê. Thế giới 
nhân vật trong hồi kí của Tô Hoài hiện lên với tất cả những gì “nhếch nhác, gai góc, xù xì, 
bụi bặm”, thậm chí khó coi; song phủi qua lớp bụi thời gian xưa cũ, ấn tượng về họ, về 
cuộc sống thuở ấy, ngày ấy càng chân thực, sâu đậm. Sức hấp dẫn của hồi kí Tô Hoài, 
phong cách Tô Hoài chính là ở chỗ ấy. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Tô Hoài (1944), Cỏ dại, - Nxb Trẻ 
2. Tô Hoài (1992), Cát bụi chân ai, - Nxb Hội Nhà văn 
3. Tô Hoài (1978), Tự truyện, - Nxb Văn học 
4. Tô Hoài (1999), Chiều chiều, - Nxb Hội Nhà văn 
5. Mai Thị Nhung (2005), Phong cách nghệ thuật Tô Hoài, - Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Trường 
Đại học Sư phạm Hà Nội 
6. Nguyễn Thị Ái Vân (2011), Đặc điểm nghệ thuật tự truyện và hồi kí của Tô Hoài, - Luận văn 
Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 
PORTRAIT OF SOME CHARACTERS 
THROUGH THE MEMOIR BY TO HOAI 
Abstract: To Hoai is an excellent writer of modern Vietnamese prose. He composed a 
variety of genres and diverse topics. The memoir is a genre bold in the writer's style. To 
Hoai’s memoir is very unique, revealing memories, imprints of his life, especially, people, 
life, fate he met, witnessed and shared. The article explores some specific types of 
characters, such as self-portraits of self-subjects, family members, workers, portraits of 
contemporary artists through two memoirs: Cat bui chan ai (1992), Chieu chieu (1999). 
Keywords: portrait of character, memoir, To Hoai 

File đính kèm:

  • pdfchan_dung_mot_so_nhan_vat_trong_hoi_ki_cua_to_hoai.pdf