Giáo trình Tâm lý y học - Trí nhớ

MỤC TIÊU HỌC TẬP

1. Trình bày được định nghĩa, đặc điểm và vai trò của trí nhớ.

2. Trình bày được quy luật quên và những ứng dụng thực tiễn.

3. Trình bày được các quá trình trí nhớ.

4. Trình bày được một số rối loạn trí nhớ.

NỘI DUNG HỌC TẬP

Như chúng ta đã biết, tất cả những gì con người thu nhận được từ các quá trình nhận thức như cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, những cảm xúc hay các thao tác, hành động mà con người đã tiến hành thường không mất đi, mà chúng được lưu giữ lại và tái hiện trước những yêu cầu của cuộc sống và hoạt động nhờ quá trình trí nhớ.

 

doc14 trang | Chuyên mục: Tâm Lý Học | Chia sẻ: tuando | Lượt xem: 396 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt nội dung Giáo trình Tâm lý y học - Trí nhớ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút "TẢI VỀ" ở trên
Ví dụ: để dễ nhớ công thức tính diện tích hình thang, người ta đặt thành các câu có vần điệu.
	Muốn tìm diện tích hình thang
	Đáy lớn đáy nhỏ ta đem cộng vào
	Thế rồi nhân với chiều cao
	Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra
Khi chúng ta ghi nhớ tài liệu rồi, nhưng muốn cho tài liệu đó tồn tại trong đầu thì cần phải có một quá trình khác, đó là quá trình gìn giữ.
Quá trình gìn giữ
Gìn giữ là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết đã hình thành được trên vỏ não trong quá trình ghi nhớ.
Gìn giữ có hai hình thức: gìn giữ tiêu cực và gìn giữ tích cực.
Gìn giữ tiêu cực là sự gìn giữ được dựa trên sự tri giác đi tri giác lại nhiều lần đối với tài liệu một cách đơn giản và thụ động những tài liệu cần ghi nhớ. Loại gìn giữ này xuất phát từ việc học vẹt tức là không hiểu được nội dung của tài liệu.
Gìn giữ tích cực là sự gìn giữ được thực hiện bằng cách nhớ lại (tái hiện) trong óc những tài liệu đã ghi nhớ mà không phải tri giác lại tài liệu đó.
Trong quá trình lĩnh hội tri thức, gìn giữ được gọi là ôn tập tích cực (có phương pháp) so sánh tài liệu cũ và mới xem có gì giống và khác nhau, phân phối thời gian và tài liệu ôn tập cho hợp lý.
Kết quả của quá trình ghi nhớ và gìn giữ được thể hiện trong quá trình nhận lại và nhớ lại.
Quá trình nhận lại và nhớ lại
Nhận lại
Nhận lại là sự nhớ lại một đối tượng nào đó trong điều kiện tri giác lại đối tượng đó. Đối tượng ta đang tri giác lúc này có những điểm, những nét gợi cho ta cảm giác giống với đối tượng mà ta đã từng tri giác trước đây. Đó là căn cứ giúp chúng ta có thể nhận lại được đối tượng.
Tuy nhiên, nhận lại có thể đúng, cũng có thể sai, có thể nhanh hoặc chậm. Tính chính xác và tốc độ của quá trình nhận lại phụ thuộc vào mức độ bền vững của ghi nhớ và mức độ giống nhau giữa kích thích cũ và mới.
Khi đối tượng mới xuất hiện, ta thấy có sự phù hợp rõ rệt và sự ghi nhớ trước đây tương đối bền vững thì sự nhận lại tiến hành rất nhanh chóng.
Nhận lại có thể sai nếu như ta dựa vào những nét giống nhau không cơ bản của đối tượng đang tri giác và hình ảnh của vật đã tri giác trước đây. Ví dụ: nhận nhầm một người nào đó với người bạn của mình vì có dáng vẻ bề ngoài rất giống nhau.
Nhận lại có thể có chủ định hoặc không chủ định.
Nhận lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với con người, nó giúp chúng ta định hướng tốt hơn và đúng đắn hơn trong hoạt động sống.
Sự nhận lại cũng có thể không đầy đủ và do đó không xác định. Đôi khi chúng ta gặp một người mà ta biết chắc chắn đó là người quen, nhưng ngay lúc ấy ta không thể nhớ được tên người đó là gì. Trong trường hợp khác, chúng ta nhận ra một người và cũng biết tên người đó, nhưng lại không thể nhớ ra là đã làm quen với họ lúc nào và ở đâu. 
Vì nhận lại không phải là cơ sở vững chắc cho việc đánh giá trí nhớ, nên muốn đánh giá trí nhớ tốt hay không phải dựa vào sự nhớ lại vì đó là khâu cuối cùng mang tính chất quan trọng.
Nhớ lại
Nhớ lại là quá trình tái hiện các hình ảnh đã có trong trí nhớ mà không cần phải tri giác lại đối tượng đó.
Có thể nói, nhớ lại là một mức độ cao của trí nhớ vì lúc này đối tượng không có trước mắt chúng ta.
Nếu quá trình nhớ lại gắn liền với tình cảm, hứng thú, nhu cầu của cá nhân sẽ làm cho việc nhớ lại nhanh chóng, chính xác và rõ ràng hơn. Nhà tâm lý học Banchiagô đã nói: “Ôi, trí nhớ của trái tim con người còn mãnh liệt hơn trí nhớ của trí tuệ bởi những cái gì gắn với tình cảm, cảm xúc, hứng thú ... thì để lại một dấu ấn sâu sắc hơn”.
Nhớ lại có thể không chủ định hoặc có chủ định:
Khi nhớ lại diễn ra gần như là tự nhiên thì người ta gọi là chợt nhớ hay sực nhớ. Cá nhân vốn đã có biểu tượng về đối tượng hay hiện tượng đó, biểu tượng này đã gắn với cảm xúc của cá nhân trong khi ghi nhớ, chỉ cần có điều kiện thuận lợi về tâm lý là nó được hiện lên trong óc mặc dù cá nhân không chủ định tái hiện.
Khi nhớ lại một cách có chủ định, có chủ ý và ít nhiều có sự khắc phục những khó khăn nhất định, có sự nỗ lực ý chí thì gọi là sự hồi tưởng.
Khi nhớ lại các hình ảnh, các đối tượng đã qua được giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định gọi là hồi ức. 
SỰ QUÊN
Quên là một hiện tượng thường xảy ra trong cuộc sống của mỗi cá nhân, bởi vì không phải tất cả những gì thu nhận được trong đời sống hàng ngày cũng đều được con người lưu giữ và làm sống lại những khi cần thiết.
Vậy quên là gì? Quên chính là biểu hiện của sự không nhận lại được hay không nhớ lại được, hoặc nhận lại, nhớ lại sai. Quên còn gọi là sự nhớ lại không đúng lúc. Quên có nhiều mức độ khác nhau:
Quên hoàn toàn: tức là không nhớ lại cũng không nhận lại được. Nhưng ngay cả sự quên hoàn toàn cũng không có nghĩa là các dấu vết của đối tượng ghi nhớ được bị mất đi hoàn toàn, không để lại vết tích nào. Penfield đã phát hiện ra rằng: không có sự quên hoàn toàn tuyệt đối, dù ta không bao giờ nhận lại và nhớ lại được một điều gì đó đã gặp trước đây, thì nó vẫn còn để lại dấu vết nhất định trên vỏ não chúng ta. Chỉ có điều chúng ta không làm cho nó “sống lại” khi cần thiết mà thôi.
Quên cục bộ: tức là không nhớ lại được nhưng nhận lại được đối tượng hay những thông tin mà ta đã từng tri giác trước đây.
Ngoài những trường hợp quên hoàn toàn, còn có trường hợp quên tạm thời, nghĩa là có những sự vật, hiện tượng, những đối tượng mà trong một thời gian dài, ta không thể nhớ ra được, nhưng một lúc nào đó đột nhiên ta nhớ lại được. Đó là hiện tượng sực nhớ. Khi nghiên cứu những loại ức chế khác nhau bằng thực nghiệm, Pap Lop đã chứng minh rằng: trong những hoàn cảnh nhất định những phản xạ tắt có thể được sống lại. Điều cho phép chúng ta giải thích tại sao đột nhiên chúng ta nhớ lại được một điều gì đấy mà trước đó ta tin rằng nó đã bị quên hoàn toàn. Sack (1985) đã mô tả một bà cụ 88 tuổi sống ở Mỹ từ lúc 5 tuổi. Sau khi mẹ mất, bà đã không hề nhớ lại bất kỳ câu chuyện nào trong thời thơ ấu của mình ở Ireland mặc dù đã rất cố gắng. Nhưng sau khi bị chứng huyết khối nhẹ ở thùy thái dương, đột nhiên bà lại nhớ được những bài hát bằng tiếng Ireland. Sau khi nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng: những bài hát này là do trí nhớ phục hồi và bà đã nhớ được lời bài hát trước đây mẹ bà thường ru từ thuở còn thơ ấu. (Nền tảng tâm lý học, Nicky Hayes, tr.100)
- Những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng quên ở con người?
+ Người ta thường quên những cái gì không liên quan hoặc ít liên quan đến đời sống, hoạt động của bản thân, những cái không phù hợp với hứng thú, nhu cầu, sở thích của cá nhân.
+ Những cái gì không được sử dụng thường xuyên, ít được lặp đi lặp lại trong hoạt động hàng ngày của cá nhân thì cũng dễ bị quên.
+ Người ta cũng có thể quên do những kích thích mới lạ hay những kích thích mạnh, chính những kích thích này đã làm ức chế đường liên hệ thần kinh tạm thời đã được hình thành trước đây, hoặc do làm việc quá nhiều dẫn đến mệt mỏi các tế bào thần kinh. Nếu những kích thích đó mất đi hoặc các tế bào thần kinh được “nghỉ ngơi” thì ta có thể nhớ lại như cũ.
- Sự quên cũng diễn ra theo những quy luật nhất định:
+ Chúng ta thường quên những chi tiết trước, quên những ý chính sau. Trong chi tiết thì những chi tiết nào không hoặc ít liên quan đến nhu cầu, tình cảm, hứng thú của con người thì quên trước, còn những chi tiết nào để lại ấn tượng sâu sắc, phù hợp với hứng thú, nhu cầu và đặc biệt là tình cảm của con người thì quên sau. 
+ Sự quên diễn ra với tốc độ không đồng đều: ở giai đoạn đầu tốc độ quên khá lớn, về sau tốc độ quên càng giảm dần (Bằng thực nghiệm, nhà tâm lý học Đức là Enbinghau và nhiều tác giả thế hệ sau đã chứng minh điều này). Các thực nghiệm cho thấy: một giờ sau khi học chỉ còn nhớ được 44%, nhưng sau hai đêm vẫn còn nhớ được 28% tri thức đã lĩnh hội được.
+ Quên là một hiện tượng hợp lý và cần thiết cho cá nhân bởi vì con người cần phải quên đi những cái gì không liên quan, chỉ giữ lại những gì cần phải ghi nhớ.
+ Trong cuộc sống, con người không thể và không cần phải nhớ hết tất cả mọi thông tin về các sự vật, hiện tượng  những gì mà con người đã từng cảm giác, tri giác, suy nghĩ, rung động trước kia. Điều đó có nghĩa là việc quên những điều không cần thiết cho hoạt động, tình huống hiện tại là hoàn toàn bình thường, và là điều hữu ích để đảm bảo cho một trí nhớ hoạt động tốt. Tuy nhiên, trên thực tế để có một trí nhớ tốt, mỗi người phải có phương pháp rèn luyện đúng đắn.
RỐI LOẠN TRÍ NHỚ
Trong một số bệnh như tổn thương hệ thần kinh, những bệnh tâm thần, hoặc do quá mệt mỏi, căng thẳng, do tuổi tác  có thể có những rối loạn trí nhớ ở các mức độ khác nhau. 
Rối loạn thường thấy là hiện tượng giảm sút trí nhớ: bên cạnh việc ghi nhớ kém, người bệnh cũng không thể nhớ lại được một số sự kiện đã xảy ra Khi đó, người ta thường phải dùng đến chiến lược, phương tiện hỗ trợ trí nhớ là “sổ nhắc”.
Những trường hợp mất trí nhớ do chấn thương (tai nạn, bị đánh vào đầu gây ngất), người ta thấy bệnh nhân có hiện tượng quên: không nhớ chuyện gì đã xảy ra trước đó, không nhớ ai đã sơ cứu mình  Theo Baddeley (1983), sự hồi phục trí nhớ hậu chấn thương diễn ra dần dần: lúc đầu từ việc nhầm lẫn về địa điểm, sự kiện xảy ra trong quá khứ, rồi nhớ những sự kiện từ xa xưa nhất cho đến những gì gần đây nhất
Ở một số bệnh nhân tâm thần có thể gặp những rối loạn trí nhớ khá đa dạng: nhớ sai, nhầm lẫn, hoặc người bệnh ở trong một hoàn cảnh hoàn toàn quen thuộc thì lại thấy hoàn toàn mới mẻ hay ngược lại, không thể nhớ lại người mình vừa gặp lúc sáng và gặp lại vào buổi chiều cùng ngày
Ngoài ra còn có hiện tượng tăng nhớ: trí nhớ rất phát triển về các con số, về tên, nhớ trong lĩnh vực âm nhạc, kiến thức nghề nghiệp  Hiện tượng tăng nhớ có thể thấy ở một số bệnh nhân thiểu năng trí tuệ bẩm sinh ở mức độ nhẹ và trung bình. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có một sự giải thích thuyết phục về hiện tượng này. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phạm Minh Hạc (1992),Tâm lý học, NXB Giáo dục, HN.
Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thuỷ (1988), Tâm lý học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Văn Nhận (2006), Tâm lý học Y học, NXB Y học.
Ngô Ngọc Tản, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Sinh Phúc (2006), Tâm thần học và Tâm lý học Y học, NXB QĐND.

File đính kèm:

  • docgiao_trinh_tam_ly_y_hoc_tri_nho.doc
Tài liệu liên quan