Y đức trong giáo dục sức khỏe - Trương Trọng Hoàng

1. Giải thích được lý do cần đảm bảo y đức trong giáo dục sức khỏe

2. Trình bày được các nguyên tắc y đức trong giáo dục sức khỏe

3. Hình thành thái độ và thực hành tốt bảo đảm y đức trong hoạt động giáo dục sức khỏe.

 

doc4 trang | Chuyên mục: Y Học Gia Đình | Chia sẻ: tuando | Lượt xem: 464 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt nội dung Y đức trong giáo dục sức khỏe - Trương Trọng Hoàng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút "TẢI VỀ" ở trên
Y ÐỨC TRONG GIÁO DỤC SỨC KHỎE
ThS, BS Trương Trọng Hoàng
MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, sinh viên có thể:
Giải thích được lý do cần đảm bảo y đức trong giáo dục sức khỏe 
Trình bày được các nguyên tắc y đức trong giáo dục sức khỏe
Hình thành thái độ và thực hành tốt bảo đảm y đức trong hoạt động giáo dục sức khỏe.
1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ QUAN NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN Y ĐỨC
Quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân là một quan hệ hết sức đặc biệt. Do xã hội giao phó, thầy thuốc có nhiều quyền trên bệnh nhân đặc biệt có liên quan đến tính mạng. Vì vậy xã hội cũng quy định thầy thuốc có nhiều nghĩa vụ đối với bệnh nhân.
Ta phân biệt một số khái niệm:
Ðạo đức (Morality): là hệ thống những chuẩn mực quy định hành vi nào là tốt hay xấu, đúng hay sai. Có nhiều hệ thống chuẩn mực đạo đức khác nhau trên thế giới hoặc cả trong một nước, một khu vực.
Ðạo đức (Moral): phù hợp với một hệ thống chuẩn mực đạo đức nào đó.
Vô đạo đức (Immoral): không phù hợp với một hệ thống chuẩn mực đạo đức nào đó.
Nghĩa vụ luật (Deontology=Moral obligation): những nguyên tắc đạo đức mà người trong một ngành nghề nào đó phải tuân thủ.
Ðạo đức học (Ethics): là một ngành của triết học nghiên cứu về những hệ thống chuẩn mực đạo đức quy định hành vi nào là tốt hay xấu, đúng hay sai.
Thuộc về đạo đức (Ethical): liên quan đến tính tốt, xấu, đúng, sai.
2. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA Y ĐỨC
Không làm điều có hại. “Trước hết, không làm điều có hại” (“Primum non nocere” “First, do no harm”)
Làm điều có lợi cho bệnh nhân (Beneficence) 
Tôn trọng sự tự chủ (Autonomy): Sự tự chủ là khả năng quyết định dựa trên sự thông hiểu và sự tự do không bị áp chế. Người nhân viên y tế cần cung cấp đủ thông tin để người dân chọn lựa. Ðồng ý dựa trên sự thông hiểu (Informed consent) là một khái niệm rất quan trọng trong thực hành Y khoa.
Bảo mật (Confidentiality)
Nói sự thật (Veracity)
Công minh (Justice) 
Trung thành với vai trò của mình (Fidelity/Role fidelity).
Nếu có sự mâu thuẫn trong các nguyên tắc thì ưu tiên nguyên tắc đầu tiên “Không làm điều hại”. Ví dụ:
Tôn trọng sự tự chủ: không làm điều bệnh nhân đòi hỏi khi người thầy thuốc thấy là có hại cho bệnh nhân.
Nói sự thật: Một số nơi chấp nhận cho phép người thầy thuốc nói dối với ý muốn tốt (Benevolent deception) khi nói sự thật trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó có thể gây hại cho bệnh nhân.
3. TẠI SAO GIÁO DỤC SỨC KHỎE CŨNG CẦN ĐẢM BẢO Y ĐỨC?
Hải Thượng Lãn Ông đã viết: “Như trong ngạn ngữ có câu: “cho thuốc không bằng cho phương” vì là cho thuốc chỉ cứu được một mạng người, chứ cho phương thì giúp đỡ người ta vô tận. Nhưng nghĩ cho kỹ, nếu cho phương mà trong đó có 1 vị không đúng, thì hàng trăm nhà chịu tai hại; huống chi viết lên thành sách mỗi lời nói đều thành khuôn phép nhất định, khó mà thay đổi được; nhỡ trong câu nói có sai lầm thì tai hại lại quá hơn những bài thuốc.” (Trích “Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh”)
Vì thế chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi xây dựng các thông điệp giáo dục sức khỏe, cụ thể cần dựa vào các nguồn thông tin tin cậy như:
Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO)
Các cơ quan, trường đại học Y khoa nổi tiếng
Các kết quả nghiên cứu đã được thẩm định, đăng tải trên các tạp chí y học nổi tiếng.
Ví dụ: Yếu tố nguy cơ dẫn đến tử vong của bệnh mạn tính không lây (YTNC hành vi có thể thay đổi (Modifiable behavioural risk factors)):
Hút thuốc lá (9%)
Kém/Không vận động thể lực (6%)
Huyết áp cao (13%)
Tăng đường huyết (6%)
Dư cân và béo phì (5%).
4. NGHĨA VỤ Y ĐỨC TRONG GDSK
Liên hiệp các tổ chức GDSK quốc gia của Mỹ đã cho ra đời bản nghĩa vụ y đức trong GDSK năm 2011 trong đó có nêu các trách nhiệm của người làm GDSK như sau:
Trách nhiệm với công chúng: Trách nhiệm cao nhất của người GDSK là giáo dục cho người dân để tăng cường, duy trì và cải thiện sức khỏe của các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nếu có sự không thống nhất giữa các cá nhân, nhóm, tổ chức, cơ quan, viện, GDVSK phải cân nhắc tất cả các nội dung và ưu tiên đối với những nội dung giúp tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống thông qua các nguyên tắc về tự quyết và tự do lựa chọn của đối tượng.
Trách nhiệm với nghề: Người GDSK có trách nhiệm về uy tín của ngành và thúc đẩy sự thực hành y đức trong ngành.
Trách nhiệm với cấp trên: Người GDSK phải nhận biết đâu là giới hạn khả năng nghề nghiệp của họ và hoàn thành đúng chức trách mà họ được giao.
Trách nhiệm với việc thực hiện GDSK: Người GDSK phải tôn trọng quyền, nhân phẩm, bảo mật và giá trị của mọi con người bằng cách thích hợp hóa các chiến lược, phương pháp phù hợp với nhu cầu của các dân số và cộng đồng khác nhau.
Trách nhiệm đối với nghiên cứu và lượng giá: Người GDSK đóng góp cho sức khỏe của dân chúng và cho nghề qua các hoạt động nghiên cứu và lượng giá. Khi lập kế hoạch và thực hiện nghiên cứu hoặc lượng giá, GDVSK phải tôn trọng luật và quy định, các chính sách của tổ chức và các chuẩn nghề nghiệp.
Trách nhiệm đối với việc đào tạo nghề: Người GDSK có trách nhiệm đào tạo những người học GDSK qua đó phát triển ngành nghề của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng.
TÓM TẮT BÀI GIẢNG
Bài giảng điểm lại một số khái niệm và quan niệm liên quan đến y đức và giải thích lý do tại sao cần đảm bảo y đức trong giáo dục sức khỏe. Bài giảng cũng trình bày các nguyên tắc y đức trong giáo dục sức khỏe bao gồm trách nhiệm với công chúng, trách nhiệm với nghề, trách nhiệm với cấp trên, trách nhiệm với việc thực hiện GDSK, trách nhiệm đối với nghiên cứu và lượng giá, trách nhiệm đối với việc đào tạo nghề.
CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ
Nghĩa vụ y đức nào sau đây phải được tuân thủ trước hết?
Làm điều có lợi cho bệnh nhân
Không làm điều có hại đối với bệnh nhân
Tôn trọng sự tự chủ
Bảo mật
Nguồn thông tin nào sau đây ta không ưu tiên chọn làm tài liệu tham khảo để xây dựng các thông điệp giáo dục sức khỏe?
Từ Tổ chức sức khỏe thế giới
Từ các trường đại học y nổi tiếng
Từ các nghiên cứu đã được thẩm định, đăng tải trên các tạp chí y học nổi tiếng
Từ kinh nghiệm của các đồng nghiệp
Nếu có sự không thống nhất về nội dung truyền thông giữa các cá nhân, nhóm, tổ chức, cơ quan, viện khác nhau, người GDSK phải dựa trên nhiều nguyên tắc nhưng không phải là nguyên tắc nào sau đây?
Cân nhắc tất cả các nội dung
Ưu tiên đối với những nội dung giúp làm giảm tác hại
Thông qua các nguyên tắc về tự quyết của đối tượng
Thông qua các nguyên tắc về tự do lựa chọn của đối tượng
GDSK cần đảm bảo nhiều trách nhiệm nhưng không phải là trách nhiệm nào sau đây?
Trách nhiệm với công chúng
Trách nhiệm với việc thực hiện GDSK
Trách nhiệm với đồng nghiệp
Trách nhiệm đối với việc đào tạo nghề
ĐÁP ÁN 
1-B	2-D	3-B	4-C
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Kenneth R. McLeroy. Ethical issues in health education and health promotion: Challenges for the profession. Journal of Health Education Sep-Oct 1993, Vol.24, No.5.
Lynne M. Kirk. Professionalism in medicine: definitions and considerations for teaching. Baylor University Medical Center Proceedings Volume 20, Number 1, January 2007.
Phạm Thị Minh Đức. Y nghiệp: khái niệm và các thách thức. (ppt)
Ray Marks and Steven E. Shive. Improving Our Application of the Health Education Code of Ethics. Health Promotion Practice, January 2006 Vol. 7, No. 1, 23-25.
SOPHE. Code of ethics for the health education profession. 2011.
Wikipedia. Health education. Tải về từ  ngày 3/1/2013
World Health Organization. Mortality and burden of disease attributable to selected major risks. 2009.

File đính kèm:

  • docy_duc_trong_giao_duc_suc_khoe_truong_trong_hoang.doc
Tài liệu liên quan